Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Về Hannibal (sách, phim và TV show) p1

    Hồi tháng 6 đọc về Hannibal, chuyện thì dài dòng và toàn những thứ chả liên quan gì đến nhau. Tháng 10 này thì xem series Hannibal, lí do thì hoàn toàn không thể nhớ ra và giờ thì đang cày lại toàn bộ phim điện ảnh về Hannibal từ Manhunter đến Hannibal Rising (đang suy xét).
Mình biết đến Hannibal từ phim Sự im lặng của bầy cừu, cách đây khoảng 6 năm gì đó. Ấn tượng để lại là con mắt tò mò đến lạnh người của Hannibal, vẻ đẹp cương nghị và ngữ âm kì cục của Starling. Lọ mọi gúc gồ xem có sách gì không thì chỉ thấy bản tiếng Anh, đành cười trừ vì trình lúc đó chỉ đủ hi hello và bye bye là cùng. Sau đó thì thôi, cũng chả tìm hiểu thêm vì thật ra mình có thích mấy thể loại kinh dị đâu, kể cả sách và phim. Thậm chí hồi 2014, sách được dịch ở Việt Nam còn đi mua tặng bạn chứ chả thèm đọc :v
    Hè được nhờ dạy một em, để em ngồi làm bài rồi nhìn tủ sách của em để xem sẽ đọc gì. Sau khi chán chê đủ thể loại, từ Seven days đến Zoo rồi kể cả Học cách sống (mình tặng, em còn chưa thèm ngó), Bách khoa các kiểu thì nhấc Hannibal lên *nhạc hoành tráng*.
Sau khi đọc liền mạch trong 2 ngày gì đó thì chạy ngay ra Nhã Nam rước Rồng Đỏ về (tận tháng 10 mới rước tiếp Sự im lặng của bầy cừu về, Hannibal thì được em trả sách thay tiền nợ =)). Và dù lúc đó chưa biết đây sẽ là series (cả sách và phim) chiếm được một chỗ trong đầu mình và thay đổi điều gì đó trong mình, thì lúc ấy mình đã thấy đồng cảm với Will Graham và cho tới lúc xem phim thì màn trình diễn xuất sắc của Hugh Dancy và Mads Mikkelsen cộng với kịch bản fanfiction điên khùng của Bryan Fuller đã hoàn toàn thuyết phục mình.
    Trước hết là về sách, có 4 cuốn, theo thứ tự là Rồng Đỏ (Red Dragon), Sự im lặng của bầy cừu (The silence of lambs), Hannibal Hannibal Rising. Hai cuốn đầu không lấy Hannibal làm nhân vật chính, không có mô tả gì đặc biệt về ngoại hình, tính cách, nguồn gốc của hắn, những gì độc giả tưởng tượng ra chỉ là nhờ vào mối quan hệ giữa ông ta và hai nhân vật chính, Will Graham và Clarice Starling, những cuộc trò chuyện như một cuộc đuổi bắt về ngôn ngữ, những ám ảnh của người này với người kia. Mình đọc Hannibal không theo thứ tự, đọc cuốn Hannibal (cuốn 3) đầu tiên trước, Rồng Đỏ (cuốn 1) rồi mới Sự im lặng của bầy cừu (cuốn 2). Và phải nói rất may là mặc dù hai cuốn đầu mới là tuyệt phẩm thì cuốn thứ 3 cũng đã đủ tốt để mình thấy đây là tác giả sẽ nằm chơi trên kệ sách nhà mình :D.
    Bác Thomas nghĩ gì khi tạo ra Hannibal? Đáng tiếc, chẳng ai biết vì bác đã ngưng phỏng vấn từ hồi 1976, chỉ 2 năm sau khi ra mắt cuốn sách đầu tiên, Black Sunday. Viết ít, nói ít ,cả đời viết văn có 5 cuốn trong đó 4 cuốn là về Hannibal mà chừng đó là đủ để Hannibal trở thành một nhân vật phản diện (villain) luôn nằm trong top đầu của các cuộc bình chọn. Stephen King, ông hoàng của thể loại kinh dị có nói rằng, nếu với vài người viết lách có lúc sẽ thấy ngán đến tận cổ thì với Harris, “là quằn quại trên sàn nhà mà viết trong đau đớn và tuyệt vọng” bởi vì với ông, “viết lách cũng giống một kiểu tra tấn”.  Cũng may mà Rồng Đỏ xuất bản ở Việt Nam có thêm phần lời nói đầu ông bác viết năm 2000 về việc Hannibal xuất hiện như thế nào. Mình đặc biệt thích đoạn đó, cái cách mà Thomas dẫn người đọc đi vào mê cung trí óc của ông bác: "Mùa đông năm 1979 khi tôi bước vào bệnh viện Bang Baltimore dành cho Tội phạm Tâm thần và cánh cửa kim loại to tướng đóng sập sau lưng tôi, tôi thật chẳng biết điều gì chờ mình phía cuối hành lang; thật hiếm hoi làm sao những lúc chúng ta nhận ra được các âm thanh khi then cài của số phận chúng ta đóng lại."
    Điều đầu tiên là hóa ra, Hannibal không được định trước đưa vào sách: “...Cho đến khi tôi đảm nhận ghi lại các sự kiện trong Hannibal thì vị bác sĩ kia, ngạc nhiên làm sao, đã tự hắn có được cuộc đời của riêng hắn...Nhiều năm sau, khi bắt tay viết cuốn Sự im lặng của bầy cừu, tôi không biết rằng bác sĩ Lecter sẽ quay lại...” Vậy là, như điều tự nhiên, gã lặng lẽ xuất hiện và khẳng định vị trí của mình ở đó như một phần không thể thiếu- một tấm gương phản chiếu những gì xấu xí nhất trong con người: niềm ham muốn giết chóc, chỉ vì niềm vui đơn thuần của giết chóc.  Mình vốn nghĩ nếu sách dừng ở hai (hoặc cùng lắm là ba) phần đầu thì trọn vẹn hơn, giống như câu trả lời của Hannibal (Sự im lặng của bầy cừu):"Nothing made me happen, I happened." Có vẻ với mình, việc đi tìm nguồn gốc lí giải cho hành động của Hannibal dường như làm nhân vật bị tầm thường đi, dễ đoán hơn một chút, mình muốn Hannibal là hiện thân của cái ác tuyệt đối, không nguyên do, không mục đích, cứ thế nó xuất hiện và tồn tại. Hoặc như là dưới con mắt của Will Graham: "Quái vật. Tôi nghĩ hắn giống một trong mấy thứ đáng thương lâu lâu được sinh ra trong bệnh viện. Người ta cho nó ăn, giữ nó ấm nhưng không để nó vào lồng máy thế là nó chết..." hoặc như Hannibal tự thuật "Bất cứ xã hội có lý trí nào thì sẽ hoặc là giết chết tôi hoặc trả sách lại cho tôi."
(Chỉ bàn về 2 cuốn trước), những dòng mô tả và hồi tưởng thoáng qua về tội ác của  Hannibal: không hề có động cơ là về mặt cảm xúc bình thường- tức giận, trả thù hay ghen tuông mà đơn thuần chỉ là do thế giới quan của hắn hoàn toàn khác biệt với số còn lại. Những vụ án trong sách chỉ làm nền cho điều này, ta sẽ thấy Hannibal là kẻ duy nhất và đứng trên những tên còn lại, không mảy may tồn tại một thứ đồng cảm, không hề có khái niệm về đạo đức, có vẻ gã tự coi mình là điều gì đó vượt trên loài người, kẻ đứng đầu chuỗi thức ăn- "không phải là ăn thịt đồng loại nếu đó không phải là đồng loại của anh" (Hannibal nói với Gideon, TV show). Cái ác của Hannibal là hoàn toàn dửng dưng với cảm xúc và nằm ngoài logic của con người bình thường, nó giống về bản chất hơn với một thiên tai hay một dịch bệnh, ngẫu nhiên và phi lí. Và nếu còn lại gì để gợi nhắc Hannibal vẫn là con người thì đó là niềm đam mê và trân trọng cái đẹp, một bộ óc thông minh xuất chúng và một đôi mắt luôn tò mò về đồng loại.
    Còn với Will Graham, tại sao mình lại thấy đồng cảm với anh đến vậy khi đọc sách? Có lẽ là do sự cô độc của anh trong tâm trí, cái vận xui của anh khi được ban tặng một món quà không ai mong muốn, thấu cảm với bất kì ai ngay cả đó là những tên sát nhân bệnh hoạn. Cũng có lẽ là cái ý thức về hạnh phúc-những thời khắc mong manh và thoáng qua, ngay cả khi anh đang được cảm nhận nó. Hoặc cũng có lẽ là vì cái phức cảm tội lỗi-mãn nguyện của một con người luôn coi giết chóc là sai trái nhưng lại bối rối khi bị ép buộc phải giết một kẻ giết người tệ hại và còn đi xa hơn là niềm vui độc ác khi anh ranh mãnh tự giải thoát mình khỏi tên phóng viên Freddie. Khó mà trách được Will khi anh suy sụp đến vậy, một người luôn phải đối mặt với những gì xấu xa và méo mó nhất của con người và tệ hơn nữa là anh ta chỉ có một mình, ngay cả cái gia đình mà anh tưởng là có thể bám víu vào đó cũng trôi tuột khỏi tầm tay khi anh cần nhất. Và điều khiến mình buồn nhất, đó là Will biết tất cả những điều này rồi cũng sẽ tới, chỉ là thời điểm vì anh biết rõ sự khác biệt của mình, sẽ chẳng có mỏ neo nào giúp con thuyền tâm trí của anh khỏi tròng trành trước những cơn bão khắc nghiệt kia, bởi vì anh "biết quá rõ rằng mình chứa đựng mọi yếu tố để tạo ra sự sát nhân; và có lẽ là cả lòng tốt nữa. Nhưng anh lại hiểu sự sát nhân một cách thấu đáo đến khó chịu" và bởi vì "thật tiếc thay, trong vùng xương sọ của anh không có pháo đài cho những gì anh yêu quý."
    Sách u ám hơn phim và gây cho mình cảm giác lạnh lẽo và ghê rợn: một Hannibal xảo quyệt và hiểm ác, một Will bất ổn và luôn tự dằn vặt. Giống như ông bác Thomas viết, "ta không nuôi chim ưng, chúng sống cùng với ta" , mình đã gập sách lại nhưng thỉnh thoảng, những chi tiết thoáng qua hiện lên trong đầu vẫn khiến mình khiếp hãi trước con mắt tò mò tàn nhẫn của Hannibal và khiến mình đau nhói trước nỗi buồn cô độc của Will.

Note: ba cuốn đầu đã được Nhã Nam phát hành, bìa đẹp, dịch tốt (có cảm giác bạn làm bìa cũng mê TV show vì phần font tựa sách giống trên TV show).
Tranh: Morning Fantasy, Mikalojus Čiurlionis (1904)